Hồi ấy, cụ Bùi Huy Hùng được huấn luyện quân sự, đứng trong khối Tự vệ diễu binh tại Quảng trường Ba Đình trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Từ Cách mạng tháng Tám tới ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ và nhóm bạn cùng lứa ở các khu phố Hà Nội hầu như chẳng ngày nào có mặt ở nhà, chỉ tối về nhà ăn cơm, rồi lại đi, đêm ngủ tại trụ sở của Tự vệ Thành đóng tại đình Phất Lộc. Gia đình cụ có 6 chị gái cũng tích cực tham gia các đoàn thể, như Tổ Cứu thương, Tổ Phụ nữ, phụ trách Đội Thiếu nhi… Mùa đông năm 1946 cho tới khi ta tiến hành cuộc “lui quân thần kì” ngày 17/2/1947, “hai tuần trăng khói lửa”, cụ cùng Tự vệ các khu phố bám trụ, dũng cảm chặn đánh quân thù, đó là những tháng ngày ý nghĩa nhất đối với người thanh niên phố cổ, đánh dấu sự gia nhập đội ngũ cách mạng.
Cụ kể câu chuyện xúc động chứng kiến vào buổi sớm một ngày đầu tháng 1/1947: Khi cụ vừa đi từ ngõ Phất Lộc ra cột Đồng hồ, chợt thấy có bóng người từ phía bờ đê đi vào, cụ đứng tránh ra một bên, lặng lẽ quan sát. Lát sau, thấy người đó tiến lại gần, trên người không mang theo vũ khí. Cụ cất tiếng: “Ai? Đi đâu sớm thế?”. Người này đứng lại, nói rất khó nghe. Mãi cụ mới hiểu người đó kể: Khi đang đi cùng một tự vệ đến đầu cầu Long Biên thì cả hai lọt vào ổ phục kích của giặc Pháp. Người này nhảy vội xuống một chiếc hố có nhiều lùm cây, nghĩ là sẽ bị giặc bắt nên anh ta đã cắn lưỡi định tự tử. Nào ngờ, bọn địch bắt được người tự vệ đi trước, nên không truy tìm anh ta nữa, và may sao, lưỡi anh chỉ bị nát chứ chưa đứt hẳn. Cụ liền dẫn anh tự vệ đó đến Trạm Quân y của bác sĩ Thuyết ở phố Hàng Buồm nhờ cứu chữa.
Cụ Hùng được chứng kiến nhiều việc làm tình nghĩa của các tổ chức đoàn thể tại các khu phố cổ Hà Nội, trong đó có chuyện “vô tình” cụ được thưởng thức món canh yến bổ dưỡng của Tổ Phụ nữ Hàng Mắm. Chuyện là, một cán bộ làm Phó trưởng Khu tự vệ bị thương được đưa vào điều trị ở Trạm Quân y Hàng Buồm, sẵn có một lạng yến sào do Lãnh sự quán nước bạn tặng, mọi người mang ra chế biến để bồi dưỡng cho thương binh. Phụ nữ phố Hàng Mắm chuyên bán yến nên được giao chế biến, rồi mang lên Trạm Quân y ở phố Hàng Buồm. Đồng chí cán bộ Khu bị thương, yếu, mệt nên chỉ ăn được một bát nhỏ, số còn lại được đưa về Tổ Phụ nữ phố. Mấy bà bàn nhau: “Bọn mình là người bán yến, làm yến, nhưng đâu có được ăn món này bao giờ, hay ăn thử xem?”. Một bà phản đối: “Không được, để dành bồi dưỡng cho thương binh, người yếu sức”. Đúng lúc ấy, cụ Hùng đi ngang qua và được các bà gọi lại, đưa vào diện “gầy yếu”. Bát canh yến chừng một lít được trút ra vào chiếc âu. Cụ đang vội nên vừa đứng, vừa húp xì xụp. Đến nay, sau hơn 60 năm, cụ vẫn nhớ cái vị mát như thạch và mùi thơm ngon của thịt gà xé nhỏ trong bát nước yến.
Cũng có những kỉ niệm “hú vía”. Đó là một ngày giữa tháng 1/1947, từ 14 đến 16 giờ chiều hôm ấy, cứ độ 5 phút lại có một tiếng “oàng” của đại bác bắn vào khu Hàng Bè, Hàng Mắm nơi cụ và Đội Tự vệ đang làm nhiệm vụ. Anh em đang bàn phương án đối phó thì người liên lạc đến hỏi: “Chiều nay, đại bác của ta bắn vào mục tiêu Tòa án tại phố Hàng Tre, có trúng phát nào không?”. Ai nấy đều sững người, bảo: “Trời ơi, các anh toàn “rót” vào đầu chúng tôi thôi, mục tiêu còn xa tới… 200m nữa”. Rất may là sau vụ bắn nhầm ấy, không ai trong số bộ đội và tự vệ bị thương vong, nhân dân thì đi sơ tán hết, chỉ có một số căn nhà trong ngõ Phất Lộc và mấy khu phố gần đó bị hư hỏng…
Sau một tháng chiến đấu cầm chân địch, đêm 14/1/1947, cụ Hùng và Đội Tự vệ được lệnh rút ra vùng Thạch Thất, tỉnh Hà Đông (cũ). Đêm 17/2, hơn 1.000 chiến sĩ quyết tử đang bám trụ tại các khu phố được lệnh “lui quân thần kì” về vùng Đan Phượng trước khi lên xây dựng lực lượng ở Chiến khu Việt Bắc…
Theo cụ Bùi Huy Hùng, hiện nay một số sách, báo, tài liệu vẫn cho rằng các Chiến sĩ quyết tử rút khỏi Hà Nội trong 2 đêm 17 và 18/2/1947. Thực tế, đầu năm 2008, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ quyết tử Liên khu 1 đã cùng đồng đội tổ chức chuyến đi ngược Sông Hồng để khảo sát cuộc “lui quân thần kì” của Trung đoàn Thủ đô và khẳng định việc rút quân diễn ra trong một đêm duy nhất (17/2/1947). Hàng chục năm qua, những nhân chứng sống trong 60 ngày đêm khói lửa vẫn trăn trở với các mốc thời gian chưa thống nhất ấy. Các chiến sĩ quyết tử vẫn mong có dịp được tọa đàm với các nhà sử học cùng đại diện các ban, ngành liên quan để thống nhất mốc thời gian lịch sử mà những người trong cuộc vinh dự được trực tiếp tham gia.