Ngày 26/6, tại TP Buôn Ma Thuột, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức hội nghị triển khai nội dung đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi” và đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi” cho 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội nghị.
Theo Tổng cục Thủy lợi, những năm qua, ngành thủy lợi đã đạt được thành tựu to lớn góp phần quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống úng, hạn, xâm nhập mặn, góp phần phòng chống thiên tai, lũ lụt và cung cấp nước sinh hoạt cho con người và phục vụ gia súc. Tuy nhiên ngành thủy lợi còn nhiều tồn tại hạn chế hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi còn yếu kém và chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp đa dạng và hiện đại.
Do vậy tái cơ cấu ngành thủy lợi là yêu cầu cấp thiết để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Theo Tổng cục Thủy lợi, nội dung tái cơ cấu ngành thủy lợi bao gồm 5 nội dung và 6 giải pháp.
Tái cơ cấu ngành thủy lợi gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; phát triển tưới cho cây trồng cạn bởi thực tế những năm qua thủy lợi chủ yếu tập trung phục vụ cho cây lúa; phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; nâng cao mức đảm bảo an toàn hồ đập; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Từ những nội dung trên ngành thủy lợi đã đưa ra các giải pháp gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi, tăng cường quản lý; hoàn thiện thể chế chính sách; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công; đổi mới hoạt động khoa học công nghệ; củng cố tổ chức bộ máy quản lý và đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Cty TNHH MTV KTCTTL Đăk Lăk cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị đề án tái cơ cấu của ngành thủy lợi nhằm hướng tới tưới cho rất nhiều rất đối tượng cây trồng. Ngoài tưới cho 30.000ha lúa ĐX còn tưới cho cà phê và các loại cây trồng khác.
Thực tế những năm qua công tác tưới bị mất cân bằng, người trồng lúa được đưa nước đến ruộng, còn cây trồng khác như cà phê, tiêu có hiệu quả kinh tế cao lại chưa có thủy lợi mà chủ yếu người dân tự lo. Mặt khác, các công trình hồ chứa nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới thì không đáp ứng an toàn hồ chứa, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn của Cty rất khó vì vậy phải có nguồn kinh phí đầu tư từ Trung ương. Hiện Cty chúng tôi quản lý 14 hồ chứa, để tăng cường quản lý an toàn hồ chứa chúng tôi phải xin kinh phí để làm tràn xả lũ nhằm tăng khả năng xả lũ, đảm bảo an toàn hồ đập.
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: Quảng Ngãi có 617 công trình thủy lợi, trong đó có 117 hồ chứa nước góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; toàn tỉnh hiện có 32 hồ xuống cấp nghiêm trọng. Ông Văn kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành thông tư phân cấp đầu tư và xây dựng các hồ chứa nước giữa sở ngành chức năng và các huyện, mặt khác Bộ NN-PTNT ban hành quy định kinh phí duy tu sửa chữa kênh mương nội đồng từ thủy lợi phí, đồng thời Bộ cấp kinh phí xây dựng quy trình vận hành hồ chứa vì các địa phương hiện rất khó khăn.
Chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu ngành thủy lợi phải đổi mới bởi những năm qua ngành vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Theo đó, ngành thủy lợi phải đổi mới sang cơ chế thị trường, hoạt động theo đơn đặt hàng và đấu thầu quản lý khai thác, khuyến khích cung cấp dịch vụ có thu, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến.
Đối với công tác an toàn hồ chứa phải áp dụng các biện pháp phi công trình, phải nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, cảnh báo về thời tiết để từ đó có phương án xả lũ, vận hành hồ chứa hợp lý tiến tới vận hành theo thời gian thực, tăng cường thiết bị quan trắc, tăng khả năng xả lũ các hồ chứa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế những công trình thủy lợi những năm qua chủ yếu tập trung cho cây lúa, do vậy trong thời gian tới thủy lợi phải tập trung nhiều lĩnh vực nhất là tưới cho cây trồng cạn và các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, chè, mía, cây ăn quả… mang lại giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó ngành thủy lợi phải phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Để nâng cao hiệu quả các công trình, Thứ trưởng chỉ đạo những vấn đề tồn tại của ngành thủy lợi cần phải thay đổi để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.